Loading...

Bị lẫn, người cao tuổi nhận lương hưu bằng cách nào?

(PLO)- Mọi giao dịch liên quan đến quyền và lợi ích của bà A kể từ thời điểm bà A bị mất năng lực hành vi dân sự phải do người giám hộ (cũng là người đại diện theo pháp luật) của bà A thực hiện.

Mới đây, trên một diễn đàn chuyên trao đổi về kiến thức pháp luật, một thành viên đã chia sẻ trường hợp bà A nhận lương hưu qua tài khoản thẻ ATM của một ngân hàng, nhưng gặp vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng (bị lẫn và không thể tự sinh hoạt).

Cũng vì lý do này, gia đình bà A không thể rút được tiền lương hưu ra ngoài, việc làm thẻ mới sau khi hết hạn cũng gặp khó khăn.

Từ đây, câu hỏi được đặt ra là trường hợp này phải giải quyết như thế nào?

Trao đổi với PV, Thạc sĩ – luật sư (ThS-LS) Nguyễn Văn Dũ, Đoàn LS TP.HCM cho biết trong trường hợp nêu trên thì bà A có dấu hiệu thuộc diện mất năng lực hành vi dân sự.

Giao dịch của bà A với ngân hàng trong việc gia hạn thời hạn sử dụng thẻ ATM được xác định là giao dịch dân sự.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

“Do đó, bà A không được phép xác lập, thực hiện bất cứ giao dịch nào mà phải do người đại diện của bà A xác lập, thực hiện”, ThS-LS Văn Dũ nói.

Cũng theo ThS-LS Văn Dũ, để người đại diện theo pháp luật của bà A xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thay cho bà A thì chồng (con) của bà A phải làm đơn yêu cầu tòa án tuyên bố bà A bị mất năng lực hành vi dân sự và đợi quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án có thẩm quyền.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 51 BLDS thì chồng của bà A là người giám hộ đương nhiên của bà A. Trường hợp chồng của bà A đã mất hoặc không đủ điều kiện làm người giám hộ thì con lớn nhất là người giám hộ đương nhiên của bà A, nếu người con này không đủ điều kiện thì người con kế tiếp làm người giám hộ…

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 136 BLDS thì người giám hộ của bà A là người đại diện theo pháp luật của bà A.

“Tóm lại, mọi giao dịch liên quan đến quyền và lợi ích của bà A kể từ thời điểm bà A bị mất năng lực hành vi dân sự phải do người giám hộ (cũng là người đại diện theo pháp luật) của bà A thực hiện.

Và để thực hiện việc đại diện cho bà A, giải quyết vấn đề thẻ ATM với ngân hàng, chồng hoặc con của bà A phải làm thủ tục yêu cầu tòa án tuyên bố bà A bị mất năng lực hành vi dân sự, đợi tòa án ra quyết định tuyên bố bà A bị mất năng lực hành vi dân sự có hiệu lực pháp luật”, ThS-LS Văn Dũ nói thêm.

HOA THI

Nguồn: plo.vn