Loading...

Các câu hỏi, thắc mắc thường gặp trong thực tế

Vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 20/2022/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân.
Cụ thể, Thông tư này hướng dẫn các hoạt động mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là tổ chức cho mục đích chuyển tiền một chiều quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối (sau đây gọi là Nghị định số 70/2014/NĐ-CP); hoạt động mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam cho các mục đích chuyển tiền một chiều quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP; hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác quy định tại điểm g khoản 6 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối (đã được sửa đổi, bổ sung) (sau đây gọi là hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác). Các giao dịch chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam để được phép có quốc tịch hoặc định cư ở nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền một chiều của tổ chức
Theo quy định tại Thông tư số 20/2022/TT-NHNN, các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ của tổ chức gồm: Mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ theo các cam kết, thỏa thuận giữa Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương với nước ngoài, nguồn tài trợ, viện trợ là các khoản kinh phí từ ngân sách hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ; mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, nguồn tài trợ, viện trợ là nguồn tiền đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong nước và/hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ; mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ cho các chương trình, các quỹ, dự án do tổ chức trong nước và/hoặc tổ chức ở nước ngoài thành lập nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển trong các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục (tài trợ học bổng), y tế, nguồn tài trợ là nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ.
Các trường hợp mua, chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của tổ chức để phục vụ mục đích khác gồm: 
Trả thưởng cho người không cư trú là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài tham gia các chương trình, cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam theo các quy định của pháp luật có liên quan. Nguồn tiền trả thưởng từ người không cư trú là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc người cư trú là tổ chức; 
Chuyển tiền một chiều ra nước ngoài cho các mục đích dưới đây từ nguồn tài trợ tiếp nhận của người không cư trú là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài: Phân bổ tiền tài trợ cho các thành viên ở nước ngoài tham gia thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học ở Việt Nam và nước ngoài; hoàn trả tiền tài trợ thực hiện các dự án ở Việt Nam theo các cam kết, thỏa thuận với bên nước ngoài.
Các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền một chiều của người cư trú là công dân Việt Nam
Theo quy định tại Thông tư số 20/2022/TT-NHNN, người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích chuyển tiền một chiều quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP, cụ thể: Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài; chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.
Việc mua, chuyển, mang ngoại tệ do người cư trú là công dân Việt Nam thực hiện hoặc người đại diện hợp pháp của công dân Việt Nam thực hiện hoặc thân nhân của công dân Việt Nam đang học tập, chữa bệnh ở nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn của ngân hàng được phép phù hợp với quy định của pháp luật.

Thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác
Thông tư số 20/2022/TT-NHNN quy định, hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức và cá nhân bao gồm:
Các khoản thanh toán và chuyển tiền liên quan đến các hoạt động sau: tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh, đại lý mua, bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài và thuê thương nhân nước ngoài làm đại lý bán hàng tại nước ngoài, nhận gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài và đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài, mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài thông qua các Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam có liên thông với Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài, các hoạt động khác có liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định pháp luật về thương mại;
Thanh toán, chuyển tiền liên quan đến các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, các khoản chi trả bảo hiểm xã hội;
Thanh toán, chuyển tiền liên quan đến các khoản đóng phí bảo hiểm, tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, phụ trợ bảo hiểm theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc chi trả bồi thường, quyền lợi bảo hiểm;
Thanh toán, chuyển tiền theo quyết định hoặc bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc trọng tài; hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;
Thanh toán, chuyển tiền liên quan đến các khoản tiền phạt, bồi thường do làm hư hỏng tài sản, gây thương tích mà chưa được bảo hiểm chi trả..
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 02 năm 2023.
 
Nguồn : Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)

Cơ quan đại diện bao gồm:

Cơ quan đại diện ngoại giao là Đại sứ quán – Cơ quan đại diện lãnh sự là Tổng Lãnh sự quán và Lãnh sự quán – Cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế là Phái đoàn thường trực, Phái đoàn, Phái đoàn quan sát viên thường trực và cơ quan có tên gọi khác thực hiện chức năng đại diện của Nhà nước Việt Nam tại tổ chức quốc tế liên chính phủ.

Thực hiện nhiệm vụ lãnh sự

1. Bảo hộ lãnh sự đối với lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam và thực hiện các nhiệm vụ lãnh sự được quy định tại Điều này trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật của quốc gia tiếp nhận và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

2. Thực hiện việc thăm lãnh sự và liên hệ, tiếp xúc với công dân Việt Nam trong trường hợp họ bị bắt, tạm giữ, tạm giam, xét xử hoặc đang chấp hành hình phạt tù tại quốc gia tiếp nhận.

3. Trong trường hợp công dân, pháp nhân Việt Nam không thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo pháp luật và thực tiễn của quốc gia tiếp nhận, cơ quan đại diện có thể tạm thời đại diện hoặc thu xếp người đại diện cho họ tại tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền của quốc gia tiếp nhận cho đến khi có người khác làm đại diện cho họ hoặc họ tự bảo vệ được quyền và lợi ích của mình.

4. Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp đổi, cấp lại, hủy bỏ các loại hộ chiếu, giấy thông hành và giấy tờ khác có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật.

5. Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, hủy bỏ thị thực và giấy miễn thị thực của Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật.

6. Thực hiện nhiệm vụ liên quan đến hộ tịch, con nuôi phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và không trái với pháp luật của quốc gia tiếp nhận hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên.

7. Thực hiện nhiệm vụ công chứng, chứng thực phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên; tiếp nhận, bảo quản giấy tờ, tài liệu và đồ vật có giá trị của công dân, pháp nhân Việt Nam khi có yêu cầu và không trái với pháp luật của quốc gia tiếp nhận.

8. Hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu của nước ngoài được cơ quan hoặc người có thẩm quyền của quốc gia tiếp nhận công chứng, chứng thực để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam; chứng nhận lãnh sự giấy tờ, tài liệu được cơ quan hoặc người có thẩm quyền của Việt Nam công chứng, chứng thực để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại quốc gia tiếp nhận.

9. Phối hợp với cơ quan hoặc người có thẩm quyền của quốc gia tiếp nhận hoàn thành thủ tục giúp công dân, pháp nhân Việt Nam giải quyết những vấn đề liên quan đến thừa kế tài sản hoặc nhận lại tài sản thừa kế được mở có lợi cho Nhà nước Việt Nam.

10. Tiếp nhận đơn và chứng cứ liên quan của công dân, pháp nhân Việt Nam để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xem xét, giải quyết.

11. Thực hiện nhiệm vụ liên quan đến quốc tịch phù hợp với quy định của pháp luật.

12. Thực hiện việc đăng ký công dân đối với người có quốc tịch Việt Nam cư trú tại quốc gia tiếp nhận phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam , pháp luật và thông lệ quốc tế.

13. Thực hiện việc ủy thác tư pháp giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận; chuyển giao, tống đạt hồ sơ, giấy tờ, tài liệu của tòa án hoặc cơ quan tiến hành tố tụng khác có thẩm quyền của Việt Nam cho công dân, pháp nhân Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc gia tiếp nhận hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên nếu việc thực hiện nhiệm vụ này không ảnh hưởng đến quyền ưu đãi, miễn trừ của cơ quan đại diện và thành viên cơ quan đại diện theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

14. Giúp đỡ tàu biển Việt Nam, tàu bay mang quốc tịch Việt Nam và phương tiện giao thông vận tải khác đăng ký tại Việt Nam để bảo đảm tàu biển, tàu bay và phương tiện giao thông vận tải đó được hưởng đầy đủ quyền và lợi ích tại quốc gia tiếp nhận theo quy định của pháp luật của quốc gia tiếp nhận, phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

15. Thực hiện nhiệm vụ phòng dịch, kiểm dịch động vật, thực vật phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của quốc gia tiếp nhận, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

16. Thực hiện nhiệm vụ lãnh sự khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và không trái với pháp luật của quốc gia tiếp nhận hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên.

Căn cứ pháp lý :

Luật số 33/2009/QH12 của Quốc hội ngày 29/06/2009 – Hiệu lực thi hành từ ngày 02 tháng 9 năm 2009: LUẬT CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

A. Việc công chứng của Cơ quan đại diện ở nước ngoài

1. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền và các hợp đồng, giao dịch khác theo quy định của Luật này và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam.

2. Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao được giao thực hiện công chứng phải có bằng cử nhân luật hoặc được bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng.

B. Quyền và nghĩa vụ của Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao

1. Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao có các quyền sau đây:

a) Được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch theo quy định của Luật này;

b) Đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện việc công chứng;

c) Được từ chối công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội.

2. Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ các nguyên tắc hành nghề công chứng;

b) Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng;

c) Giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối yêu cầu công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng;

d) Giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

C. Thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực của Cơ quan đại diện

1. Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực các việc quy định:

a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;

b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản;

c) Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài;

2. Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự ký chứng thực và đóng dấu của Cơ quan đại diện.

Trả lời:

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 28 Luật căn cước công dân 2014

Thẻ Căn cước công dân bị thu hồi trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 19 Nghị định 137/2015/NĐ-CP

Thu hồi thẻ Căn cước công dân:

a) Cơ quan quản lý căn cước công dân các cấp có thẩm quyền thu hồi thẻ Căn cước công dân theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Căn cước công dân sau khi nhận được thông báo về việc công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam và chuyển về tàng thư căn cước công dân;

b) Việc thu hồi thẻ Căn cước công dân phải được lập biên bản, giao cho người bị thu hồi thẻ một bản và có sổ sách theo dõi; thẻ Căn cước công dân bị thu hồi được bảo quản và lưu giữ chung cùng hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân tại tàng thư căn cước công dân.

Như vậy, Công dân khi đi định cư ở nước ngoài chỉ bị thu hồi Thẻ căn cước công dân trong trường hợp thôi quốc tịch Việt Nam.